GIỚI THIỆU

đây là một thú chơi - đây cũng là một công việc,
K. Badjadjo Pradip (Ấn Độ) có bài thơ "Quán Hàng Phù Thủy" như sau: "Một phù thuỷ Mở quán hàng nho nhỏ "Mời vào đây Ai muốn mua gì cũng có!"
Tôi là khách đầu tiên. Từ bên trong Phù thủy ló ra nhìn: "Anh muốn gì?" "Tôi muốn mua tình yêu, Mua hạnh phúc, sự bình yên, tình bạn..." "Hàng chúng tôi chỉ bán cây non. Còn quả chín, anh phải trồng. Không bán!" ( Thái Bá Tân dịch )
Việc tôi chơi cho tôi, tôi viết cho bạn cũng giống như Quán hàng của phù thủy vậy, có TÌNH YÊU, HẠNH PHÚC, BÌNH AN, TÌNH BẠN...Và tất cả đều là hạt giống, là cây non. Tôi luôn cố gắng dùng nét bút từ tâm mình để chăm chút cho những hạt giống tâm hồn ấy. Phần còn lại làm nên ý nghĩa trọn vẹn của bức chữ, chính là nhờ vào người treo bức chữ ấy. Treo một bức chữ trong nhà, với những ý nghĩa hoan hỷ tươi tắn tích cực của ngôn từ và đường nét...sẽ ngày ngày âm thầm soi rọi động viên nâng đỡ sẻ chia với chúng ta một đời sống tinh thần nhẹ nhàng thanh thản...
- Ban ơi, Ngẫu Thư ý nghĩa là gì? Ngẫu Thư là bút hiệu của tôi - Nguyễn Thanh Tùng. Thưa, nhà thơ Hạ Tri Chương có bài "Hồi hương ngẫu thư", tức là tình cờ viết lúc về lại quê hương. Ngẫu Thư ở đây đơn giản là tình cờ mà viết thôi! Kĩ hơn một chút, khi tôi chọn chữ này cho mình: Ngẫu là sự tự nhiên không sắp đặt. Nói là không sắp đặt, nhưng thực ra là rất sắp đặt. Là sự sắp đặt của nhân duyên vậy! Thư là viết. Ngẫu và Thư gợi cảm giác về hai mảng khác nhau mà tương hỗ nhau. Một bên là vi vút phiêu bồng một bên là điểm tựa vững chãi. ... Tôi cố gắng hướng đến sự hòa hài đó! Ngẫu Thư là danh, mà cũng là vô danh, bạn viết thường là "ngẫu thư" cũng đều được cả.
Tôi muốn là cánh diều bay cao, bay xa, vi vút, chao lượn, vui với gió mây. Nhưng, tôi không muốn là diều đứt dây, tuột dây.
Nên, đừng ngạc nhiên!
Trong tiến trình văn học Việt Nam, ban đầu việc sáng tác chỉ đơn thuần để thỏa lòng, tỏ lòng, ngôn chí...nhưng, đến đầu thế kỷ XX, khi Văn học Việt Nam bắt đầu đổi mới theo hướng hiện đại hóa, những hoạt động kinh doanh văn hóa cũng nảy sinh, và viết văn làm thơ cũng trở thành một nghề nghiệp, vừa thỏa mãn tinh thần bản thân, vừa phục vụ xã hội, và cả...kiếm sống.
Tất nhiên, tiền không phải là tất tần tật, càng không thể ngoắng chân vào nghệ thuật. Nó chỉ được chung tay thôi!
Thân mến, “dù đên rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người.”