Mạch sống thầm thì

( Viết về bài haiku đầu tay của Nguyễn Văn Trung )

"Hoa rơi
đất ấm
mạch sống thầm thì."


***
"Hoa rơi"
Ừ, lại là rơi,

là rụng,
là buồn!

Hoa rơi về đất mẹ. Đó là sự chuyển hoá vật chất. Tác giả gọi là "đất ấm". Sự ấm áp mà đất mang lại sẽ an ủi cho nỗi buồn về hoa rơi.

Dòng thứ ba làm nên tính đa nghĩa cho bài thơ.
"Mạch sống" kia là mầm chồi đang nhú? là quả non vừa đậu? Hay là sự sống mà hoa sẽ hoà vào đất để tiếp tục chảy trong cây?

"Hoa rơi" ta dễ nhìn.
"Đất ấm" ta dễ cảm.
Nhưng, "mạch sống thầm thì" làm sao nghe được?
Có lẽ phải trải lòng ra, phải đặt mình vào vị trí của cây, của hoa, của đất.

Chợt nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca Mặt đường khát vọng:
"Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm."

Cái nhìn về hoa rơi kia cũng giản dị và bình tâm, như chính cái cách mà hoa đang rơi. 
Tôi có trồng một khóm xuyến chị bên hiên nhà. Đó là loài hoa dại. Nhưng rất đẹp. Một lần, ngắm chụp cánh hoa rơi, tôi viết:

"Hoa dại bên hiên
an nhiên
chuyển kiếp."

Haiku là vậy đấy,
Haiku thường quan tâm đến những sự vật sự việc nhỏ nhoi và bao giờ cũng cố gắng qua cái cụ thể, nhỏ nhoi diễn tả cái tinh diệu trong vận động thiên nhiên.

Haiku là vậy đấy,
Bông hoa cũng là người. 
Hoa cũng là ta, ta cũng như hoa. 

Tôi biết, đây là một trong những bài thơ Haiku đầu tay của anh Nguyễn Văn Trung.
Mong mạch thơ Haiku trong anh cứ thầm thì và sâu lắng! 



ngẫu, 26.7.15

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét